Búp sen xanh là tiểu thuyết đầu tiên nói về cuộc đời Bác Hồ, ngay từ khi ra mắt cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn trong toàn quốc, được nhiều độc giả đón nhận. Sau đó cuốn sách còn được dịch sang tiếng Anh, chuyển thể thành phim, đưa lên sân khấu tuồng, viết lại bằng văn vần. Hãy đọc ngay tóm tắt Búp sen xanh để biết được nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
Giới thiệu cuốn sách Búp sen xanh
Vào một buổi sáng năm 1981, nhà văn Sơn Tùng đã đặt ngòi bút đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh theo lời động viên của người bạn tâm giao là nhạc sĩ Văn Cao. Mặc dù cơ thể đang phải chịu những đau đớn từ vết thương do tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam, nhưng ông vẫn luôn miệt mài viết, viết và viết trong suốt 3 tháng để cho ra bản thảo viết tay đầu tiên. Trong đó có 1 bản viết tay được Văn Cao hỗ trợ vẽ bìa sách Búp sen xanh.
Đến năm 1982, hơn 30.000 cuốn sách đầu tiên đã được in bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Ngay sau đó, tác phẩm này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Ở thời điểm hiện tại, cuốn sách Búp sen xanh viết về Bác Hồ đã được tái bản hơn 25 lần với hơn 1 triệu bản in chính thức. Đồng thời được chuyển thể thành phim điện ảnh có tên “Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng”, tác phẩm tuồng là “Cậu bé làng Sen” và 7 tác phẩm truyện thơ khác. Chắc chắn đây sẽ là một tác phẩm hay mà bạn không thể bỏ qua.
Tóm tắt sách Búp sen xanh
Tóm tắt Búp sen xanh có 3 phần chính, nói về từng giai đoạn cuộc đời của Bác. Tuy nhiên, với định hướng là tác phẩm dành cho thiếu nhi nên cuốn sách sẽ tập trung kể nhiều về thời thơ ấu và thiếu niên của Bác hơn cả.
Thời thơ ấu
Tập trung nói về cuộc sống tại làng Sen, nơi ở của gia đình anh Nho sắc cùng 3 người con là bé Thanh, bé Khiêm, bé Côn. Anh Nho sắc vốn là người làng Sài, gia đình khó khăn cha mẹ mất sớm phải ở với anh trai nhưng bị chị dâu đay nghiến, khó mà ở được. Nhưng phải cái tính chăm chỉ, chịu khó nên anh rất được lòng ông tú Hoàng Xuân Đường, được ông mang về làng Sen nuôi, dạy chữ rồi sau này gả con gái cho.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 3 chị em ai cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ biết phụ giúp cha mẹ. Đặc biệt, câu bé Côn từ nhỏ đã tỏ ra thông minh, lanh lợi lại ham học hỏi. Có lần bé Côn nằm võng tâm sự cùng bà ngoại, ước được nhìn thấy mặt vua. Trong khi bà ngoại hoảng hốt thốt lên “Ấy chết! Cháu chớ nói rứa! Phải tội đó! Ai mà nhìn thấy mặt vua, vua không ưng bụng sẽ bị mù mắt đó” thì Côn lại tỏ ra bình thản mà vặn vẹo lại bà “ Kệ, cho mù mắt cháu cứ nhìn vua cho bằng được. Mù mắt chứ có mù tim mô mà sợ”. Quả là một cậu bé quyết đoán và can đảm.
Sau này cha đỗ cử nhân, Côn và bé Khiêm được theo cha vào Kinh đô Huế học tập, điều này đã tạo cơ hội tốt cho Côn được tiếp xúc với nhiều bậc anh hùng, nhà văn, nhà giáo là bạn bè của cha, để từ đó ngộ ra những cái sai, cái chưa đúng của triều đình khiến đất nước rơi vào hoàn cảnh “sắp mất” đến nơi.
Tóm tắt Búp sen xanh về thời thơ ấu của cậu bé Côn cho thấy chính lối tư duy khác biệt của Bác ngay từ nhỏ đã trở thành tiền đề để Bán sẵn sàng làm những điều lớn lao hơn sau này, vì nước, vì dân.
Thời niên thiếu
Là những ngày cậu bé Côn nay gọi là Tất Thành theo học tại trường Quốc học Huế – ngôi trường danh giá nhất Đông Dương thời bấy giờ. Nhưng do những biến động của gia đình, mẹ mất, em mất, cùng với việc tham gia biểu tình chống đối kẻ thù mà anh chàng Tất Thành đã bỏ học để rong ruổi khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Cuối cùng anh về dạy tại trường Đông Ba, ở đây anh đã dạy rất nhiều bài học làm người cho các em học sinh.
Tóm tắt Búp sen xanh phần này mà không kể đến đoạn văn cảm động khi Thành âm thầm để lại thư chia tay lớp học nhỏ phía sau để tiếp tục bôn ba thì thật là thiếu sót. Trong thư có đoạn trích thế này “ Các trò thương mến, thầy đi xa, lòng vẫn nhớ, vẫn gần các trò. Thầy đã không kịp mua sách, thầy để lại hai đồng bạc góp vào quỹ thư viện trường Dục Thanh của chúng ta.” Thư đọc xong mà đám học trò đứa nào cũng mắt ướt ngẩn ngơ.
Tuổi hai mươi
Tất Thành vào Sài Gòn thì đổi tên thành anh Ba, tại đây anh đã ngộ ra được nhiều chân lý và bài học mới mẻ về một thành phố xa hoa. Không còn là người thầy giáo đáng kính, anh Ba hóa thân thành người lao động chân tay, việc gì cũng làm miễn là không phạm pháp thì anh làm. Quen được Tư Lê cũng là một may mắn với anh, dẫn anh đến với cảng nhà Rồng để từ đây làm bước đệm cuối cùng cho hành trình sang Tây, thực hiện mong muốn cứu nước, giúp dân.
Cuộc sống xô bồ ở Sài Gòn đã cho thấy một hình ảnh cậu bé Côn, anh Thành không hề yếu ớt như vẻ ngoài gầy gò, cũng không phải là cậu ấm của quan như người đời vẫn gọi mà là một anh Ba rắn rỏi, nhanh nhẹn, sẵn sàng làm mọi việc, không ngại khó, ngại khổ đi vào đường khó.
Review sách Búp sen xanh
Như vậy, tóm tắt Búp sen xanh để cho chúng ta hiểu rõ hơn về Bác Hồ, cuộc đời truân chuyên của Bác cũng như khát vọng cứu nước của Người lớn lao đến nhường nào. Đồng thời, cuốn sách cũng mang lại cho người đọc nhiều bài học về cách làm người. Vì vậy cuốn sách đã nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ các độc giả.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết Tóm tắt Búp sen xanh của Chọn Sách Hay, để lại bình luận phía dưới nếu bạn muốn góp ý với mình nhé. Yêu.