LUẬN ANH HÙNG

Tiêu Phong – đại anh hùng võ lâm và cuộc đời bi kịch

Tiêu Phong (萧峯) hay Kiều Phong (喬峰), là nhân vật chính trong ba nhân vật tiêu biểu (Kiều Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc) của tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ do nhà Kim Dung sáng tác.

Nói về võ công cao cường, sự khí khái, anh hùng, không thể không nhắc đến Tiêu Phong, là một trong những đại anh hùng xuất chúng nhất trong tiểu thuyết Kim Dung. Và cũng là nhân vật chính nổi bật nhất trong 15 bộ tiểu thuyết Kim Dung, người ta gọi là THẦN VÕ. ( Viết bài có thể lúc họ Tiêu lúc họ Kiều theo nguyên văn tác phẩm).

Là một cô nhi được phu phụ Kiều Tam Hoè nhận làm con nuôi, thương yêu như con ruột. Kiều Phong bái Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm làm sư phụ, người thầy 10 năm mưa gió không đổi vẫn một lòng dìu dắt, dạy dỗ Kiều Phong, và người sư phụ thứ hai là Uông Kiếm Thông bang chủ Cái Bang, truyền lại tuyệt học trấn phái và chức Bang Chủ. Minh sư xuất cao đồ, kết hợp với năng khiếu bẩm sinh khiến Tiêu Phong trở thành cao thủ đệ nhất đương thời, uy chấn thiên hạ với danh xưng “BẮC KIỀU PHONG’.

Cái chất hào sảng anh hùng của Kiều Phong thể hiện ở nhiều việc. Gặp kẻ địch mạnh vẫn bình tĩnh như không. Trong ứng xử, dẫu kẻ thù có khiêu khích Kiều Phong thì cũng vô ích, cái tâm ấy vững như bàn thạch. Ông là người hết sức rộng lượng.

Nếu chỉ là hiểu nhầm với anh tài võ lâm thì ông sẵn sàng làm đủ mọi cách để cứu mạng họ, kể cả quên mình hút nọc rắn cho họ, hay tự đâm mình để giúp họ trả luật giang hồ. Cuộc chạm trán với Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác ngoài rừng hạnh cho thấy bản sắc đó. Những nhân vật không sợ đất, chẳng sợ trời này cũng đã phải phục Kiều Phong sát đất. Là người có khí chất của một thủ lĩnh bẩm sinh.

Đoàn Dự, trong những phút sơ giao, đã đánh giá ngay rằng: “Đại ca bề ngoài thô hào nhưng nội tâm cực kỳ tinh tế”. Nhận xét ấy ngắn gọn, nhưng đáng giá đến từng chữ.

Dưới đây có thể coi là trích đoạn hay nhất, mang nhiều cảm xúc khí khái của bộ 3 huynh đệ kết nghĩa: Tiêu Phong – Đoàn Dự – Hư Trúc (đại ca – nhị ca – tam đệ)

Nhưng chúng ta chưa kịp thưởng thức cái khí khái, cái bản lãnh ấy của ông nhiều thì đã thấy Kiều Phong bị cuốn vào vòng xoáy của bi kịch. Và cũng từ đó, như ngựa không dừng vó, cuộc đời ông bị nhồi vào trong hết đợt sóng lớn này đến đợt sóng lớn khác và không bao giờ có thể lại bình yên được nữa, mãi mãi không bao giờ bình yên được nữa. Số phân anh hùng chủ định phải cô độc.

Kiều Phong luôn luôn tự hào mình thuộc dòng dõi Hán Tộc. Ông đã vượt qua những thử thách khó khăn hơn hẳn các bang chủ tiền nhiệm và được chọn kế nhiệm chức bang chủ của thiên hạ đệ nhất Bang. Ông chỉ có một mơ ước là tiêu diệt quân xâm lăng Khất Đan mà ông thường gọi bằng cái tên khinh bỉ “bọn Liêu cẩu”, chống lại quân Tây Hạ, giữ gìn hoà bình cho người Hán. Con người ông rộng lượng, hào sảng, yêu quý huynh đệ, bằng hữu. Ông lại có võ công cực cao, thông minh, cơ biến, kinh nghiệm giang hồ phong phú. Coi thường danh lợi, nữ sắc, chỉ trọng nhất nghĩa khí với bạn bè nên được thầy yêu, bạn mến, đúng là không còn gì bằng. Niềm thống khoái duy nhất của ông là được cùng bằng hữu hay anh hùng thiên hạ uống say túy lúy mà nói những chuyện võ lâm hay những chuyện kinh thiên động địa.

Trong cánh rừng Hạnh, nhìn sắc mặt mọi người ông đã biết ắc sẽ có biến phản loạn, phải nhanh chóng dẹp loạn và bình định nhân tâm cho huynh đệ trên dưới trong Bang. Trước khống chế Toàn Quán Thanh sau Kiều Phong đã chọn chính tấm thân của mình để chuộc tội cho Tống, Hề, Trần, Ngô 4 vị trưởng lão. Cứ sau những công trạng của mỗi người mà Kiều Phong kể ra, ông lại dùng kiếm đâm lên thân mình, dùng máu rửa tội cho họ.

Nếu không phải bậc đại anh hùng, đại hào kiệt, nếu không phải có người biết lấy đại cục làm trên hết thì thử hỏi trong thiên hạ mấy ái dám làm. Thế mà, thoắt một cái huynh đệ Cái Bang đã biến ông từ một Bang Chủ Cái Bang lừng lẫy thành một tên Khất Đan hung ác, tàn bạo không cha không mẹ. Từ một lá thư vô tình của bang chủ đời trước Uông Kiếm Thông – bị lợi dụng biến thành một mưu đồ cố ý của một vài người trong Cái Bang, Kiều Phong bị truất phế chức bang chủ.

Tiêu Phong - đại anh hùng võ lâm và cuộc đời bi kịch

Khi quần hùng đã biết ông là người Khất Đan thì tự nhiên một bức tường ngăn cách lập tức được dựng lên giữa ông và họ. Họ lập tức quên ngay một Kiều bang chủ người Hán kiêu hùng và hào hiệp ngày nào, và thay vào đó là hình ảnh đáng căm hận của một tên “Liêu cẩu”.

Người anh hùng của Kim Dung từ nạn nhân của một người đàn bà hờn ghen uất hận tiếp tục biến thành nạn nhân của một mưu đồ chính trị: đó là âm mưu lật đổ ngôi vị Bang chủ của ông.

Sự thật, Kiều Phong đúng là người Khất Đan nhưng câu chuyện ấy đã trôi qua hơn ba mươi năm, chẳng ai muốn nhắc đến nữa, bởi Kiều Phong đã được Hán hoá từ thể chất cho đến tâm hồn.

Khi Kiều Phong phát hiện thân phận thật sự của ông lại là người Khất Đan, một dân tộc có thù địch với Hán tộc bao đời nay. Chính bản thân ông cũng luôn coi là kẻ thù. Bi kịch của Kiều Phong không phải là mất chức bang chủ, không phải là bị nghi ngờ mà là vì anh không thuộc về nơi nào cả: Hán không, Khiết Đan không. Công hay tội? Hán hay Khiết Đan? Thù ai và ơn ai? Nếu mình là Khiết Đan thì việc mình đã làm xưa kia cho người Hán là đúng hay sai?

Kiều Phong trong lòng chua xót, anh hùng rơi lệ khiến kẻ khác nhìn vào phải động dung.

Ôm thống hận đi vào dâu bể, ông cố tìm cho ra kẻ “kẻ cầm đầu” ẩn núp trong bóng tối– mà ông gọi là “ đại ác nhân” – đi trước một bước giết cha mẹ nuôi Kiều Tam Hòe, giết cả ân sư Huyền Khổ….. Hễ ông làm gì thì hắn luôn trước ông một bước, khiến ông lực bất tòng tâm. Tất nhiên, tất cả tiếng ác ấy ông phải nhận lãnh hết. Và đoạn kết cho tấn bi kịch đó chính là những cái chết này đều do Tiêu Viễn Sơn, cha đẻ của Kiều Phong gây nên.

Đang trong lúc cảm thấy cô độc nhất thì đó là lúc ông gặp A Châu, là thị nữ của nhà Mộ Dung Cô Tô. Có người trò chuyện an ủi, Kiều Phong cũng vơi bớt cô đơn buồn tủi.

Khi ôm A Châu đến Tụ Hiền trang để cầu Tiết Thần Y chữa bệnh, một mình dấn thân vào Tụ Hiền Trang ông biết quần hào đang tụ họp nơi đây để tìm cách đối phó với ông, một người giờ đây bị xem như là kẻ thù chung của võ lâm. Mặc kệ, dù phải nhảy vào đầm rồng hang hổ nơi bao nhiêu anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường phục sẵn để triệt hạ mình cũng phải cứu bằng được A Châu. Ông muốn Tiết Thần Y phải hứa, chữa cho A Châu, còn sống chết của bản thân ông đâu có màng.

Dưới đây là phân cảnh tại Tụ Huyền Trang – một trận chiến kinh tâm động phách vào hào hùng nhất trong lịch sử võ lâm:

Giang hồ đồn đại câu chuyện Kiều Phong người Khiết Đan hung ác, giết cả cha mẹ nuôi và ân sư nhưng lại chí tình với một nữ nhân. Thực ra, miệng lưỡi thiên hạ cũng có kém gì đao kiếm đâu. Lời ta nói không còn ai nghe ra nữa, đính chính không xong, biện bạch không được thì hào khí ta trỗi dậy trong huyết quản, ta sẽ cùng quần hào các ngươi uống cạn một chén rượu tuyệt tình rồi quyết tâm cùng nhau một phen sống mái. Bát vứt xuống đất choang một cái là từ đây chỉ có kẻ thù mà thôi.

Trong tất cả tác phẩm của Kim Dung, trận huyết chiến đơn thân độc đấu giữa Kiều Phong với quần hùng tại Tụ Hiền trang có lẽ là trận chiến kinh tâm động phách vào hào hùng nhất trong lịch sử võ lâm. Máu càng đổ, hận cừu càng kết chặt, oan khiên càng nặng nề thêm. Cứ điên cuồng cùng nhau đem hết sức lực bình sinh quyết đấu, đem tính mạng ra chơi trò chơi sinh tử.

Khác hẵn trận chiến kinh điển trên Quang Minh đỉnh, Trương Vô Kỵ một mình đánh bại quần hùng võ lâm, cứu Minh giáo khỏi diệt vong.

Kiều Phong hăm hở trèo lên Nhạn Môn Quan để tìm vết tích về thân thế. Nhưng hàng chữ năm xưa cha ông viết trên vách đá sau trận chiến kinh hoàng đã bị kẻ nào đi trước đục xóa mất. Kiều Phong như phát điên lên. Điều ông kinh sợ nhất là bị oan khuất. Làm sao có thể chịu đựng nổi sống hết cuộc đời trong cảnh u u minh minh không rõ cha mẹ, không biết quê hương bản quán.

Tiếng hú bi thiết và hình xăm con sói xanh trên ngực những người đàn ông Khất Đan khiến ông chợt động tâm. Té ra đấy là dấu hiệu của dòng giống Khất Đan mà ông cũng có.

Kiều Phong ngay lập tức hành động để cứu những người đồng chủng nhưng rồi ông đau đớn vô cùng: “Hóa ra mình thuộc về một dòng giống mà xưa nay mình căm ghét, coi như cầm thú”. Ông chạy như ma đuổi “Thôi, vậy là hết, không còn nghi ngờ gì nữa. Ta cùng chung dòng máu dơ bẩn, tàn ác, đê tiện với những kẻ Khiết Đan kia. Biết đi đâu về đâu bây giờ? Trời đất kia bao la mà ta không một chốn dung thân”.

A Châu đã có mặt kịp thời trong lúc Tiêu Phong tuyệt vọng về thân thế. Nàng nhỏ nhẹ: “Người Hán cũng có người xấu người tốt, người Khất Đan dĩ nhiên cũng có kẻ hay người dở. Kiều đại gia, ông đừng để chuyện này trong lòng làm chi. Tính mạng của A Châu do ông cứu, ông là người Hán cũng vậy, mà là người Khất Đan cũng thế đối với thiếp thật chẳng khác gì”. Nàng quyết liệt tỏ rõ khí khái muốn tự tận nếu thành ý bị Kiều Phong coi thường khiến ông cảm động. Ít ra thì trên đời này có một người không khinh bỉ, sợ hãi hay căm ghét nguồn gốc Khất Đan của ông. Tình yêu của Tiêu Phong dành cho A Châu đã bắt đầu trong hoàn cảnh như thế.

Nợ nước đã nhạt, nhưng còn thù nhà phải báo, có nhất thiết phải truy tìm thủ phạm để trả thù mới là người con có hiếu hay không?

Tiêu Phong ước nguyện cùng A Châu từ giã giang hồ, cùng tìm về Nhạn môn quan nơi chẳng có Khiết Đan hay Hán, cùng với hồng nhan tri kỷ A Châu sống cuộc đời thanh bình chăn dê trên đồng cỏ. Nhưng mơ ước mãi mãi là ước mơ, không thành hiện thực.

A Châu cứ ngỡ người cha mà mình Đoàn Chính Thuần là chủ mưu trong việc giết cha mẹ Tiêu Phong năm xưa ngoài quan ải. Còn Tiêu Phong cũng không biết người mà mình yêu thương hơn cả tính mệnh, nguồn an ủi duy nhất trong đời, lại chính là con của Đoàn Chính Thuần. Khi hội diện với Đoàn Chính Thuần nơi rừng trúc, Tiêu Phong hỏi về thân thế của một hài nhi là mình thì Đoàn Chính Thuần lại ngỡ là hỏi về một đứa con rơi ngày trước của ông.

Cuộc đối thoại vô tình lại càng tăng thêm ngộ nhận. Hai người Tiêu Phong- A Châu có ngờ đâu, nơi không đao không kiếm lại là nơi nguy hiểm nhất. Một góa phụ xinh đẹp yểu điệu lại ghê gớm hơn cả những đại ma đầu. Mụ bịa đặt thủ lĩnh đại ca chính là Đoàn Chính Thuần, người tình phụ của mụ.

Hạnh phúc vừa nhen lên cho hai con người côi cút thì đã bị dập tắt và cơn sóng cuộc đời tiếp tục nhồi Tiêu Phong vào sâu hơn trong bi kịch. A Châu vì chữ Hiếu đã tự nguyện đem thân mình ra hóa giải mối oan cừu không có thực! Hiếu Tình đôi đường không trọn thì chỉ còn có cái chết mà thôi. Một chiêu cực kì cương mãnh trong Hàng Long thập bát chưởng tung ra, và A Châu – trong lớp cải trang Đoàn Chính Thuần – đã ngã gục dưới ánh sấm chớp lòe và cơn mưa đêm tầm tã. Kim Dung đã bố trí cái chết oan uổng của cô tì nữ thông minh A Châu trong một bối cảnh vô cùng thê lương và bi đát.

Phân cảnh Kiều Phong ngộ sát A Châu ~ Câu chuyện Tình Buồn Nhất Trong Tiểu Thuyết THIÊN LONG BÁT BỘ:

Tiêu Phong lặng người ôm xác chết người yêu do mình lỡ ra tay ngộ sát.Võ công quán thế, hào khí ngất trời. Tất cả những cái đó nào có nghĩa gì trước cái xác lạnh giá của người yêu? Cùng với cái chết của A Châu, Tiêu Phong cũng đã chết, sự thanh thản tâm hồn đã cáo chung và từ đây kẻ anh hùng kiệt xuất của Kim Dung bắt đầu cung bật của đoạn trường khổ lụy.

A Châu trước lúc lâm chung đã gửi gắm em gái sinh đôi A Tử cho Tiêu Phong trông nom. Ý chừng ngược lại mới đúng, nàng muốn theo cách của Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình chăm sóc cho Kim Trọng hay chăng?

Từ đó, ở bên cạnh một Tiêu Phong thẳng thắn anh hùng lại có thêm một tiểu ma nữ A Tử giảo hoạt; cả hai đi với nhau như bóng với hình.

Tiêu Phong đã đưa A Tử về Nhạn Môn Quan, săn chồn đuổi thỏ và chữa bệnh cho cô. Ông kết bạn với Hoàn Nhan A Cốt Đả, thuộc bộ lạc Nữ Chân. Trong một chuyến dã ngoại, Kiều Phong cứu được nhân vật đặc biệt là Đại Liêu Hoàng Đế Gia Luật Hồng Cơ. Ông nhận Tiêu Phong làm em kết nghĩa và phong cho Tiêu Phong làm chức Nam viện đại vương, cai quản toàn bộ binh lực Đại Liêu. Thế từ một Hán tử thô hào, một tên Liêu cẩu man rợ, Tiêu Phong thoắt trở thành nguyên soái, nắm trong tay sức mạnh quân sự của một vương quốc. Hơn ai hết, A Tử là người đầu tiên khuyên Tiêu Phong đưa quân qua Nhạn Môn Quan, làm cỏ hết bọn cái bang cùng bọn quần hào người Tống. Tiêu Phong đã cảnh cáo A Tử về ý nghĩ tàn bạo đó. Và ông chủ trương không gây với hấn người Tống, sống hoà bình cho trăm họ ăn cư lạc nghiệp. Ông nghiêm cấm thuộc hạ không được cướp bóc tài vật, bắt phụ nữ từ đất Tống đưa về.

Tiêu Phong phát hiện ra phụ thân là Tiêu Viễn Sơn vẫn còn sống. Ông cũng chính là ân nhân đã cứu thoát Tiêu Phong ra khỏi Tụ Hiền trang trong cơn nguy khốn. Và đau đớn thay chính Tiêu Viễn Sơn đã tự tay đẩy con mình vào những cảnh ngộ oan uổng trớ trêu. Ông đã tự tay giết chết những nạn nhân rồi đổ họa cho con trai! Hai cha con nhận diện ra nhau ở giai đoạn cay đắng dị thường.

Tiêu Viễn Sơn xuất gia, Tiêu Phong lại phải âm thầm sống để chăm lo cho A Tử theo lời trăn trối của A Châu, dù từ sau cái chết của người yêu, tâm hồn ông bắt đầu đối diện với sự trống vắng hãi hùng.

Một bên là lòng yêu thương Đại Tống, một bên là nghĩa vụ thần dân với Liêu đế, với Đại Liêu, Tiêu Phong không biết cư xử thế nào cho phải.

Khi Liêu đế ra lệnh cho ông tấn công Đại Tống, phận làm bề tôi sao có thể trái lệnh vua? Ông dự định dẫn A Tử trốn về Trung Nguyên, nhưng A Tử, do mù quáng vì tình yêu, đã cho ông uống một loại “thuốc yêu”, mà theo hoàng hậu nước Liêu sẽ khiến người uống nó thương yêu mình mãi mãi! Loại “thuốc yêu” đó đã khiến ông mất hết nội lực, và bị bắt khi dẫn A Tử chạy trốn lúc nửa đêm và bị tống vào ngục. Nhưng sau khi được bằng hữu võ lâm Đại Tống cứu ra, ông vẫn băn khoăn không biết đứng về phe nào, đánh ai, cứu ai?

Vì người Tống, Tiêu Phong lại một lần nữa bức bách vua của mình, anh kết nghĩa của mình phải dùng tính mạng thề độc giữa ba quân không được xâm phạm cương giới Tống – Liêu, thật là một đòi hỏi dũng cảm làm rung động lòng người. Và đó là việc làm xả thân cuối cùng của Tiêu Phong. Một mặt ông giữ được tính mạng của bao nhiêu quân dân hai nước Tống Liêu, ấy là việc đại nghĩa to lớn nhất. Việc nhân nghĩa có gì hơn được yên dân đây?

Rồi ông dùng tên đâm vào ngực tự vẫn. Kiều Phong bất bại cuối cũng đã chết trong tay mình. Cuối cùng ông đã được giải thoát, cùng về cõi vĩnh hằng với A Châu, tìm được hạnh phúc chân chính.

A Tử dù đui mù vẫn giành lấy Tiêu Phong và cùng với ông nhảy xuống vực sâu muôn trượng. Bi kịch hùng tráng mãi mãi lưu truyền trong lòng mọi người.

Mấy mươi năm trước, cha ông đã ôm mẹ ông nhảy xuống nơi ấy. Mấy mươi năm sau, một cô bé gọi ông là tỷ phu cũng ôm ông nhảy xuống nơi này. Sự trùng hợp của lịch sử sao mà bi thương đến vậy! Tác phẩm mở đầu bằng cái chểt bi thảm của người mẹ, và khép lại bằng cái chết bi tráng của người con.

Hai cái chết đều diễn ra tại Nhạn môn quan, cách nhau đến mấy mươi năm và đều do ngộ nhận nảy sinh từ định kiến dân tộc.

Hán Liêu nào biết về đâu.

Ngậm ngùi tiếng hát A Châu thuở nào.

Rượu chìm trong cõi chiêm bao.

Cuộc đời và con người Tiêu Phong nói chung có thể gói gọn trong 2 từ bi kịch và anh hùng

Cả cuộc đời quang minh chính đại, nhưng kết cục bi hùng thảm thương.

Chung thủy, trung nghĩa, lương thiện, tử tế, tài giỏi nhưng rồi cũng tội nghiệp và đáng thương.

Cuộc đời ông từ nhỏ đến lớn luôn bị người ta sắp xếp, theo dõi đến khi trưởng thành, ân sư một đời tôn kính lại âm thầm lên kế hoạch trừ khử mình.

Cái chết của Tiêu Phong thể hiện khát vọng thái bình cho bách tính và đập tan bạo tàn, chiến tranh. Đó là cái chết của một anh hùng, vì sơn hà xã tắc, vì hiệp nghĩa mà hi sinh. Tiêu Phong là hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng là hình tượng bi kịch nhất trong tất cả các truyện của Kim Dung.

Theo Kiếm Hiệp Hội Quán